HKD Đặng Văn Sơn hay còn gọi là Cơ sở sản xuất cốm, bánh Chí Quốc tọa lạc tại Ấp 5, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Nghề làm bánh Cốm, bánh Ống đã gắn liền với gia đình ông Đặng Văn Sơn (chủ cơ sở sản xuất cốm, bánh Chí Quốc) đã từ rất lâu, với kinh nghiệm trên 30 năm trong nghề làm bánh Ống truyền thống, sản phẩm của cơ sở được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và ưu chuộng. Hiện nay, sản phẩm bánh Ống của cơ sở không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh yêu thích mà còn có mặt ở thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Phước và một số tỉnh ở miền Trung,…
Bánh ống có cách thức làm đơn giản, nhanh chóng lại rất thơm ngon, giòn và xốp mịn nên không chỉ thu hút trẻ em, mà người lớn cũng xem đây là một món ăn thú vị, nhưng không phải tốn nhiều tiền. Có nhiều người xay bánh ống nhưng không phải ai xay cũng ngon. Quan trọng là biết cách trộn các nguyên liệu cho đều, canh độ nóng của máy để bánh vừa chín tới, không bị khét, gạo xay phải là loại gạo không dẻo quá thì bánh xay ra mới có đủ độ xốp, giòn, thơm, ngọt và béo.
Để giữ được nghề làm bánh ống và cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi bánh ống làm ra phải đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, có mẫu mã bao bì đẹp mắt và xây dựng được thương hiệu. Năm 2015, vợ chồng ông Đặng Văn Sơn quyết định mở rộng nghề làm bánh ống với tên đăng ký cơ sở sản xuất cốm, bánh Chí Quốc. Từ khi còn làm bánh nhỏ lẻ, tự bán bánh dạo đến khi mở được cơ sở, ông Sơn vẫn chú trọng về chất lượng bánh, việc làm ăn của cơ sở ngày càng phát triển, thị trường mở rộng hơn trước, cơ sở cần nhiều lao động, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Năm 2019 cơ sở đã tham gia Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sản phẩm cốm ống đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Trà Vinh, trong năm 2020 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đã đạt được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Hiện tại, Cơ sở đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phuơng, từ khi phát triển lên cơ sở mỗi ngày giải quyết việc làm cho 30 lao động với các khâu như: đứng coi máy, xếp bánh vào túi ni-long, xếp bánh vào thùng với nguồn thu nhập ổn định trên 200.000 đồng/ngày/lao động.