Tại huyện Trà Cú, nghề làm mão, mặt nạ mang tính "cha truyền con nối" vì không phải chỉ am hiểu văn hóa, lịch sử mà còn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Trà Vinh có khoảng 330.000 người dân tộc Khmer (chiếm 31% dân số), với 143 chùa Khmer kiến trúc độc đáo. Chùa không những là nơi gìn giữ các giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer. Du khách đến đây không chỉ được tìm hiểu về kiến trúc văn hóa tâm linh, mà còn có thể thưởng thức các loại hình nghệ thuật độc đáo từ dàn nhạc ngũ âm đến các điệu múa dân tộc như múa trống Chhay-dăm, múa Rô Băm hay hát Aday, hát Dù Kê... cùng với tham quan tìm hiểu và cùng nghệ nhân chế tác mặt nạ truyền thống.
Trong các loại hình nghệ thuật diễn xướng, múa hát truyền thống của người Khmer ở Nam Bộ, mão và mặt nạ là hai loại phục trang đặc biệt mang đậm màu sắc huyền bí, linh thiêng, thể hiện đậm chất văn hóa dân gian của người Khmer Nam Bộ. Người Khmer Nam Bộ gọi những chiếc mũ mang hình đầu các nhân vật hoặc linh vật trong văn hóa tín ngưỡng dân gian là mão.
Nhiều người tại địa phương gọi tôi với câu thân thương là “ Nghệ nhân làm mặt nạ”. Nghề làm mặt nạ chằn là nghề gia truyền độc đáo của gia đình tôi với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề làm mặt nạ. Tôi rất vui mừng khi được xã, huyện và tỉnh đã hỗ trợ xây hẳn một không gian văn hóa, nơi chế tác mặt nạ Khmer cho gia đình nghệ nhân làm việc thường xuyên chứ không cần đợi đơn đặt hàng như trước.
Nghề làm mặt nạ là nghề mang tính "cha truyền con nối" vì không những phải am hiểu sâu sắc văn hóa, lịch sử và các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer mà còn đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ. Để làm ra một chiếc mão hay mặt nạ tôi phải thực hiện qua một số công đoạn như: tạo khuôn, đắp vải hoặc dán giấy và sơn trang trí hoa văn và dù phải tuân thủ nhiều nguyên tắc cơ bản, nghệ nhân vẫn được sáng tạo theo phong cách riêng. Để tạo khuôn mặt nạ, tôi thường dùng đất sét nhão để nhồi nặn, tạo thành hình đầu và các chi tiết mắt, mũi, miệng, tai... rồi mang đi phơi khô. Ngày nay, nhiều nghệ nhân khác thường dùng xi măng để tạo khuôn. Cách này có ưu điểm là khuôn được tái sử dụng nhiều lần.
Trong các sản phẩm văn hóa của người Khmer thì mặt nạ Chằn là sản phẩm độc đáo nhất. Trong các ngôi chùa Khmer, Chằn thường đứng theo cặp đôi song song hai bên cổng chùa hoặc đứng xung quanh chánh điện, được thể hiện dưới dạng người cao lớn với gương mặt hung dữ, mắt trợn to, miệng rộng, lưỡi đỏ, răng nanh nhọn lởm chởm, đầu đội mũ hình tháp (Stupa), mình mặc giáp trụ, chân đi hài, hai tay chống lên cây trùy giống như kiểu tượng của thần Vishnu (thần bảo tồn) hay Dvarapala (thần hộ pháp) trong điêu khắc Đông Nam Á. Còn trong các lễ nghi tín ngưỡng dân gian Khmer với truyền thống nông nghiệp đã biết cách dung hòa tín ngưỡng liên quan đến chằn và Phật giáo, mượn hình ảnh Chằn để thể hiện ước muốn xua đuổi điều dữ, đón sự an lành, may mắn trong đời sống. Chằn xuất hiện với chức năng như vị thần bảo vệ người dân, bảo vệ chùa mang ý nghĩa: cái thiện chiến thắng cái ác, chính nghĩa thắng hung tàn. Cái tính triết lý sâu xa là ác không chắc là ác, và thiện không chắc là thiện.
Sản phẩm mặt nạ chằn Kim Mạnh là một sản phẩm mang đậm nét đẹp truyền thống của người dân tộc, những lễ hội truyền thống của người Khmer như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok, lễ hội Đôn Ta... hay được trình diễn trong các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer như: múa Rô băm, múa Chhay dăm, hát Aday, hát Dù Kê.. Đây là một nét đẹp được gia đình tôi lưu giữ và duy trì hơn 30 năm qua. Bên cạnh đó, tôi cũng đang thực hiện phát triển thương hiệu, giới thiệu hình ảnh sản phẩm của mình để nhiều địa phương khác biết đến nghề truyền thống đặc biệt của địa phương.