Cây thanh long là một loài cây đặc biệt, thân cây màu xanh, không có lá mà chỉ có ba cạnh. Cạnh cây hình lượn sóng, gai nhỏ và dần như tiêu biến. Trồng cây thanh long cần có trụ cao và vững chắc để thanh long bám và leo lên, khi cây phát triển sẽ mọc ra rất nhiều cành. Sau mỗi đợt thu hoạch quả người ta lại phải tỉa bớt cành và sau 10-15 năm khi cây đã già cỗi phải thay trồng cây mới.
Hoa thanh long là loài hoa rất đẹp, chúng mọc trực tiếp trên các gai của thân cây, một cành thường ra từ 1-2 bông hoa. Đây là hoa lưỡng tính, hoa rất to và dài, gồm nhiều cánh và đài hoa nhỏ, cánh hoa màu trắng, nhị và nhụy hoa màu vàng. Hoa có mùi thơm, tự thụ phấn là chính, hoa nở về đêm và sáng sớm vì thế ngắm hoa thanh long đẹp nhất là khi trời vẫn còn sương đêm. Hoa thanh long rất chóng tàn để nhanh chóng hình thành quả, quả thanh long lớn dần có hình bầu dục và gồm nhiều tai, quả mọng có nhiều hạt nhỏ. Khi quả còn non thì vỏ màu xanh nhưng khi chín vỏ và thịt bên trong có màu đỏ. Trong quả thanh long có nhiều hạt nhỏ như hạt vừng đen, khi ăn không cần bỏ hạt. Quả thanh long ruột đỏ ăn rất mềm, ngọt và thanh mát, lại giàu dưỡng chất như vitamin C, B1, B2, khoáng chất khác như canxi, sắt,... Việc ăn thanh long ruột đỏ có thể giúp chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe, là loại trái cây lành tính, dễ ăn và giá thành rẻ.
Cây Thanh Long ruột đỏ là loại cây trồng rất phù hợp với lợi thế ở xã Phương Thạnh, tập trung trồng nhiều nhất ở ấp Nguyệt Trường. Trước đây, người dân xã Phương Thạnh nói chung và ấp Nguyệt Trường nói riêng chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước mặn thường xâm nhập sâu vào nội đồng và sâu bệnh thường xuyên gây hại. Do đó, một hộ đã chuyển sang trồng một số cây khác như trồng rau, màu, trồng các loại cây ăn trái…. Trong đó, Thanh long ruột đỏ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây khác và tăng gấp 4 - 8 lần so với trồng lúa. Ban đầu có một vài hộ trồng dần dần những hộ lân cận cũng chuyển từ trồng lúa sang trồng cây Thanh Long ruột đỏ và hiện nay diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn xã Phương Thạnh đã lên đến 120 ha, riêng Hợp tác xã nông nghiệp Nguyệt Trường trồng trên 38 ha.
Diện tích Thanh long ruột đỏ đã tăng cao nhưng để có thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài thì phải có tổ chức đứng ra để hướng dẫn phát triển sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài việc hướng đến sản xuất hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, các nhà vườn trong HTX tiếp tục nỗ lực đưa trái Thanh long ruột của vùng quê Phương Thạnh đi xa hơn bằng mở rộng các kênh tiêu thụ bền vững và hướng đến vùng quy hoạch chuyên canh đặc sản Thanh long từng bước thay thế cho các cây trồng kém hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Vào năm 2022, một số nhà vườn của Hợp tác xã đã trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 38,25 ha (56 hộ) và đã được đánh giá công nhận vào năm 2023.