Nông dân Nguyễn Văn Hiện: Thu nhập gần 0,7 tỷ đồng/năm nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
(TVO) 05 năm liền (2017-2021), nông dân Nguyễn Văn Hiện ở ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Với tinh thần cần cù và dám nghĩ, dám làm anh đã mạnh dạn tiên phong trong ứng dụng những cách làm mới vào sản xuất nông nghiệp của gia đình, qua đó đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm (thanh long và chanh dây leo ngọt)… Hiện bình quân thu nhập từ mô hình trồng thanh long của anh đạt gần 0,7 tỷ đồng/năm/1,8ha và còn tham gia giải quyết lao động cho 15-20 lao động, với thu nhập ổn định 150.000-200.000 đồng/ngày trong hội viên nông dân.
(TVO) 05 năm liền (2017-2021), nông dân Nguyễn Văn Hiện ở ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Với tinh thần cần cù và dám nghĩ, dám làm anh đã mạnh dạn tiên phong trong ứng dụng những cách làm mới vào sản xuất nông nghiệp của gia đình, qua đó đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm (thanh long và chanh dây leo ngọt)… Hiện bình quân thu nhập từ mô hình trồng thanh long của anh đạt gần 0,7 tỷ đồng/năm/1,8ha và còn tham gia giải quyết lao động cho 15-20 lao động, với thu nhập ổn định 150.000-200.000 đồng/ngày trong hội viên nông dân.

Nông dân Nguyễn Văn Hiện với mô hình trồng chanh dây leo giống ngọt.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu của gia đình, anh Hiện bộc bạch: năm 2009, khi tình hình sản xuất cây màu và cây lúa ở vùng đất gò, triền giồng trong khu vực ấp Đầu Giồng gặp nhiều khó khăn, hiệu qủa kinh tế không cao; cùng với đó do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho tình hình khô hạn, mặn xâm nhập… nên việc chủ động nguồn nước ngọt rất khó khăn. Thời điểm này, gia đình quyết định chuyển đổi 0,2ha đất lúa sang trồng 50 trụ thanh long ruột đỏ, để nâng hiệu quả và thu nhập cho cuộc sống hàng ngày, gia đình đã kết hợp trồng màu xen thanh long với phương thức “lấy ngắn nuôi dài”. Sau 08 tháng trồng, thanh long cho thu hoạch. Từ mô hình trồng thanh long, gia đình tích lũy và thuê đất thêm để sản xuất, đến nay, gia đình đã có hơn 2,3ha đất trồng thanh long, trong đó có 1,8ha thanh long đang thu hoạch, với khoảng 0,5 tỷ đồng/ha và 0,5ha thanh long mới trồng được 01 năm tuổi.
Để xử lý thanh long vụ nghịch bằng hình thức xông đèn đạt năng suất và chất lượng trái tốt, đáp ứng xuất khẩu anh là một trong những nông dân tiên phong của Càng Long sử dụng đèn led vàng vào năm 2018 do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần bóng đèn - phích nước Rạng Đông triển khai. Qua mô hình ứng dụng của anh đã làm thay đổi nhận thức của người trồng thanh long trong việc sử dụng đèn led tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo năng suất, thời gian ra hoa và mức độ ra hoa của thanh long như sử dụng đèn sợi đốt. Đồng thời, năm 2019, qua việc tìm hiểu về giá trị kinh tế của cây chanh dây leo giống ngọt, anh Nguyễn Văn Hiện đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 100 gốc chanh dây leo giống ngọt/1.000m2 được mua từ Sóc Trăng, với giá 150.000 đồng/cây giống.
Nông dân Nguyễn Văn Hiện cho biết: với giá chanh dây leo giống ngọt hiện nay được thương lái thu mua khoảng 30.000 đồng/kg; toàn bộ chanh dây của gia đình được trồng theo hướng hữu cơ và không sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh. Sau gần 01 năm trồng, đến nay chanh dây đã cho trái và năng suất khoảng 03 tấn trái/năm, với giá bán dao động 22.000-25.000 đồng/kg. Đây là một trong những cây trồng cho giá trị kinh tế khá cao và được nhiều doanh nghiệp thu mua xuất khẩu và sản xuất nước uống đóng hộp. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích trồng chanh dây leo giống ngọt, xem đây là cây trồng chủ lực thứ 2 trong kinh tế vườn của gia đình; vì chi phí trồng và kỹ thuật chăm sóc không cao, tương đối phù hợp với nhà vườn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Nguồn: http://www.baotravinh.vn/