sản phẩm nổi bật

sản phẩm bán chạy

Mô hình phát triển kinh tế

Nâng cao thu nhập từ trồng ớt chỉ thiên
Nâng cao thu nhập từ trồng ớt chỉ thiên
Cập nhật lúc 07:36 ngày 29/03/2024 - Số lần xem: 70


Trồng ớt chỉ thiên không phải là mô hình mới, nhưng là hướng đi mới của nông dân xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa). Hiện tại, ớt chỉ thiên được HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội vận động các thành viên tham gia trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật đạt tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng thành sản phẩm chủ lực của địa phương.
 

Mô hình trồng ớt chỉ thiên của HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội đang cho lợi nhuận ổn định. Ảnh: NGỌC HÂN

 Dễ trồng, lợi nhuận ổn định
 
Cũng diện tích đất nông nghiệp này, những năm trước đây, gia đình anh Huỳnh Sa ở thôn Phong Hậu mỗi năm chỉ trồng 1 vụ lúa và một số cây hoa màu ngắn ngày. Chính vì vậy, nguồn lương thực cũng chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình và phục vụ chăn nuôi. Năm 2022, được HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội vận động tham gia chuỗi liên kết, anh Sa quyết định chuyển đổi sang trồng chuyên canh giống ớt chỉ thiên. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác nên hơn 2 sào đất (500m2/sào) trồng ớt của gia đình anh phát triển tốt, cho năng suất cao và lợi nhuận ổn định.
 
“Giống ớt chỉ thiên có nhiều ưu điểm như: chịu hạn, dễ trồng, không kén đất. Cây sinh trưởng và phát triển nhanh, từ khi trồng đến khoảng 90 ngày là thu hoạch trái nên trồng 3 vụ/năm. Nếu trồng vào mùa thuận từ tháng 10-2 âm lịch thì năng suất bình quân đạt từ 2 tấn trái/sào, còn nếu trồng vào mùa nghịch từ tháng 5-9 thì cũng từ 700kg-1 tấn trái/sào. Đặc biệt giống ớt này vỏ dày để được lâu, có độ cay cao nên được thị trường ưa chuộng, với giá bán cho thương lái mua tại ruộng hiện nay là 25.000-30.000 đồng/kg, cao điểm có thể tăng lên đến 60.000-100.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi kiếm lời được 40-50 triệu đồng/sào”, anh Sa cho biết.
 Đang thu hoạch ruộng ớt của gia đình, anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Nhất Sơn, chia sẻ: “Từ ngày tôi chuyển sang trồng ớt chỉ thiên thì thấy đây là cây trồng có nhiều ưu điểm vượt trội so với các cây màu khác, không tốn nhiều chi phí sản xuất, chỉ mất công chăm sóc. Trồng ớt cũng như một số cây màu khác đòi hỏi phải nắm được kỹ thuật, đặc tính của cây trồng. Ớt chủ yếu bị bệnh thán thư dẫn đến thối trái nhưng nếu biết cách phòng bệnh thì không đáng lo ngại. Muốn thời gian thu hoạch ớt kéo dài, năng suất tăng thì cần chăm sóc kỹ, thăm đồng thường xuyên để xử lý kịp thời tránh bệnh thán thư gây thối trái”.
 
Hướng tới chuẩn VietGAP
 
Theo ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội, để tạo điều kiện cho nông dân an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, đầu năm 2022, HTX bắt đầu liên kết với các hộ dân để trồng ớt chỉ thiên theo hướng hữu cơ và bao tiêu đầu ra ổn định. Dưới sự tổ chức của HTX và hỗ trợ của chính quyền địa phương, hoạt động sản xuất của các hộ trồng ớt tại Hòa Hội từng bước chuyên nghiệp hóa, khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, bà con nông dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất sạch, bảo đảm chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 
“Hiện có 10 hộ tham gia mô hình trồng ớt chỉ thiên với diện tích 20ha và dự định vụ tới sẽ tăng số hộ tham gia, phát triển trồng lên 50ha. HTX đang chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất, hướng đến sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị cho sản phẩm, vì vậy, yếu tố môi trường và vệ sinh thực phẩm được HTX chú trọng. Trong quá trình sản xuất, các hộ sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, phân chuồng thay thế thuốc trừ sâu, thuốc kích thích vừa tiết giảm chi phí, vừa thân thiện với môi trường. HTX cũng nghiên cứu dùng chế phẩm từ ớt, tỏi để chế biến thuốc trừ sâu, hướng tới loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc hóa học”, ông Thơ cho biết.
 
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, cho biết: “Mô hình trồng ớt chỉ thiên của HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ trồng, mà việc hái ớt còn tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Vì vậy, cây ớt chỉ thiên được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo của địa phương. Hiện HTX đang tiếp tục vận động bà con nông dân các tổ hội nghề nghiệp vào làm thành viên HTX góp vốn, đầu tư mua máy móc để sản xuất ra sản phẩm ớt bột và tương ớt Đồng Cam, phát triển thành sản phẩm OCOP của địa phương trong thời gian tới”.

(Theo baophuyen.vn)





Chia sẻ bài viết:        Chia sẻ Zalo Google Bookmarks 
  In bài viết








SÀN GIAO DỊCH TỈNH TRÀ VINH
Truy cập tháng: 7935
Tổng truy cập: 2659358