sản phẩm nổi bật

sản phẩm bán chạy

Mô hình phát triển kinh tế

Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Cập nhật lúc 09:15 ngày 29/09/2022 - Số lần xem: 324

Thời gian qua, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều hạn chế.


Trồng dưa lưới trong nhà màng tại huyện Thanh Oai. (Ảnh: NGỌC ANH)

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đang triển khai 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản, tập trung ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai và Đan Phượng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc mở rộng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế khi mới chỉ có một doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; hai mô hình sản xuất rau, hai mô hình sản xuất hoa, một mô hình sản xuất lúa, một cơ sở sản xuất giống thủy sản và 17 cơ sở nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế sản phẩm, còn lại là các cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hoặc ứng dụng một phần, như hệ thống nhà lưới có điều khiển vi khí hậu, giống mới, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống chuồng kín trong chăn nuôi. Thành phố còn thiếu những mô hình sản xuất tiên tiến, hàm lượng khoa học công nghệ cao cho nên chưa tạo ra được sự đột phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao còn ít, chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, 100% số xã của thành phố Hà Nội đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó riêng trong quý I năm nay có thêm 18 xã được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và năm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện. Ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức và Gia Lâm không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 0,29%. Cuối năm 2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đã đánh giá, phân hạng được thêm 595 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP thành phố đạt gần 1.650 sản phẩm. Các hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Hạ tầng nông thôn ngày càng được nâng cao. Công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời và đem lại hiệu quả thiết thực. Đáng chú ý, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới quý I của thành phố là hơn 30.820 tỷ đồng... Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ thừa nhận, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao chưa rõ nét, là “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn. Việc quảng bá các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao cũng như xây dựng chuỗi sản xuất, quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ còn hạn chế.

Mới đây, phát biểu kết luận tại hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế, gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát toàn bộ các đơn vị đăng ký mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập trung để đôn đốc triển khai, phấn đấu có thêm nhiều mô hình sản xuất tập trung, công nghệ cao trong thời gian tới. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các sở, ngành rà soát các cơ chế, chính sách liên quan xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nhất là các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, để nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nông dân.

Nguồn: https://nhandan.vn/




Theo https://nhandan.vn/

Chia sẻ bài viết:        Chia sẻ Zalo Google Bookmarks 
  In bài viết








SÀN GIAO DỊCH TỈNH TRÀ VINH
Truy cập tháng: 70143
Tổng truy cập: 2631589