Giải pháp hiệu quả

Hiệu quả mô hình trồng tắc xen cây ăn trái
Hiệu quả mô hình trồng tắc xen cây ăn trái
Cập nhật lúc 02:19 ngày 10/08/2023 - Số lần xem: 147

(VLO) Với ưu điểm mau cho trái, dễ chăm sóc và ít tốn chi phí, cây tắc được nhiều nhà vườn trồng xen trong các vườn cây ăn trái lâu năm để lấy ngắn nuôi dài. Mô hình này cũng mang lại hiệu quả, lợi nhuận khá cho nhà vườn.


Mô hình trồng tắc xen cây ăn trái đem lại hiệu quả, lợi nhuận khá cho nhà vườn.

(VLO) Với ưu điểm mau cho trái, dễ chăm sóc và ít tốn chi phí, cây tắc được nhiều nhà vườn trồng xen trong các vườn cây ăn trái lâu năm để lấy ngắn nuôi dài. Mô hình này cũng mang lại hiệu quả, lợi nhuận khá cho nhà vườn.

Thời gian qua, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần cải thiện đời sống. Trong đó, xu hướng trồng cây lấy ngắn nuôi dài ngày càng phổ biến.

Và với những đặc tính dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch, trái tắc được thị trường ưa chuộng, cây tắc đã dần trở thành cây trồng cho hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá cao cho nhà vườn.

Trồng tắc xen với bưởi trên 5 công đất được hơn 3 năm nay, gia đình chú Lê Văn Muôn (ấp Hiếu Thuận, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) đã có thu nhập khá. Hiện nay, mỗi tháng chú thu hoạch gần 1 tấn tắc, bán với giá dao động từ 7.000-16.000 đ/kg, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Theo chú Muôn, trồng bưởi hơn 3 năm mới cho thu hoạch. Trong thời gian đó, tận dụng khoảng đất trống trên cùng mảnh vườn, giải quyết vấn đề trước mắt, trồng các loại cây cho thu hoạch sớm như xen canh thêm tắc thu hoạch sớm để lấy ngắn nuôi dài.

“Tắc sau khi trồng bén rễ thì chỉ 8 tháng cho bông. Nhưng vụ đầu phải lặt bông hết để dưỡng cho cây cứng cáp, không bị suy khi đeo trái quá sớm.

Tôi thấy cây tắc này dễ hợp thổ nhưỡng, ít tốn công chăm sóc lại không tốn nhiều phân thuốc nên cho lợi nhuận khá. Nhất là khi bưởi giảm giá, hơn 1 năm nay cây tắc lại trở thành thu nhập chính cho gia đình”- chú Muôn chia sẻ.

Đang hái tắc để giao cho thương lái, chị Lê Thị Diễm My- con gái chú Muôn chia sẻ: “Tắc cho trái quanh năm, đều đặn hàng tháng, có thể thu hoạch 100- 200 kg/ngày.

So với trồng cây cam thì trồng tắc khỏe hơn nhiều, không bỏ nhiều vốn mà cây lại nhạy trái. Bên cạnh đó, cũng đỡ tốn công làm cỏ vườn. Lấy công làm lời, trong gia đình thu hoạch tắc hàng ngày nên có lời nhiều hơn”.

Khi trồng xen canh, cần chú ý đến khoảng cách giữa các cây trồng tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất.

Cũng trồng tắc xen vườn sầu riêng, anh Phạm Văn Tân (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cho biết: Mô hình trồng tắc xen sầu riêng rất hiệu quả và hợp lý, vừa tiết kiệm chi phí trong sản xuất, vừa phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trong khi chờ sầu riêng cho trái, cây tắc cho thu nhập trước, góp phần giải quyết chi phí sinh hoạt hàng ngày và đầu tư phân bón, tưới tiêu, chăm sóc cây sầu riêng.

Theo anh Tân, việc thiết kế hệ thống ống tưới tự động, vừa giúp tiết kiệm công sức, vườn cây phát triển tốt, cây tắc sẽ “ăn ké” phân thuốc từ cây sầu riêng nên chỉ cần bón phân, tưới nước hợp lý, cây tắc sẽ phát triển tốt.

Qua đó, tạo điều kiện cho cây có mối quan hệ cộng hưởng cùng phát triển, nâng cao năng suất. “Quan trọng khi trồng tắc là phải thu hái đúng thời điểm, thu hái lúc trái còn nhỏ quá sẽ không đạt năng suất, nếu để to quá, quả chuyển chín thành màu vàng thì giá sẽ rất rẻ hoặc không bán được”- anh Tân cho hay.

Theo anh Lê Văn Núi- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn), đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, hội vận động hội viên, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm làm ra đảm bảo sạch, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cạnh tranh thị trường trong nước cũng như nước ngoài.

Hội viên nông dân cũng tập trung cải tạo vườn kém hiệu quả; đồng thời chăm sóc tốt vườn cây ăn trái hiện có. Theo đó, nhiều mô hình sản xuất đã đạt được hiệu quả.

“Trong đó, các mô hình trồng xen đã tận dụng được diện tích đất của các vườn để cải thiện kinh tế khi các cây trồng chính chưa đến thời gian cho thu hoạch đã đem lại hiệu quả cho nhà vườn.

Việc chăm sóc các loại cây ngắn ngày này không làm ảnh hưởng đến việc trồng và chăm sóc cây ăn trái chính, ngược lại còn có tác dụng giữ đất, đủ nước, nông dân bớt công làm cỏ cho vườn, còn góp phần giải quyết việc làm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân”- anh Núi cho hay.

Nhiều nhà vườn cho biết, để việc trồng xen canh hiệu quả, người sản xuất phải cần lưu ý về thổ nhưỡng, đặc tính của từng loại cây ăn trái để có sự lựa chọn phù hợp.

Cùng với đó, cần chú trọng đến việc chọn đối tượng trồng xen canh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng chính. Ngoài ra, khi trồng xen canh, cần chú ý đến khoảng cách giữa các cây trồng, sự phù hợp giữa cây được trồng xen canh với cây trồng chính, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/




PHƯƠNG THẢO Theo https://baovinhlong.com.vn/

Chia sẻ bài viết:        Chia sẻ Zalo Google Bookmarks 
  In bài viết








SÀN GIAO DỊCH TỈNH TRÀ VINH
Truy cập tháng: 80325
Tổng truy cập: 2641771