Quý trọng thời gian

Tự chủ con giống - giải pháp tiết kiệm chi phí chăn nuôi lợn
Tự chủ con giống - giải pháp tiết kiệm chi phí chăn nuôi lợn
Cập nhật lúc 01:28 ngày 04/05/2021 - Số lần xem: 413

Hiện nay, nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lợn đã đầu tư sản xuất con giống dần hình thành chuỗi khép kín trong chăn nuôi. Xu hướng này tiết kiệm chi phí chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh xâm nhập.


Sau quãng thời gian tạm nghỉ do thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi, đầu năm 2020, ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) đầu tư chăn nuôi lợn trở lại. Thay vì mua lợn giống thương phẩm như trước, ông Hùng mua thêm 2 lợn nái nền. Ông Hùng phấn khởi cho biết, chăn nuôi thêm lợn nái, giờ gia đình đã chủ động được con giống, giảm được rất nhiều chi phí đầu tư, hơn nữa lợn giống của gia đình được tiêm đầy đủ vắc xin nên rất yên tâm. Không như trước đây, mua con giống ngoài thị trường rất bị động, rủi ro dịch bệnh, chưa nói đến chi phí lớn. Điển hình như năm 2020, giá con giống lên đến 2,7 - 2,8 triệu đồng/con khiến cho việc chăn nuôi không hiệu quả.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) đầu tư nuôi lợn nái đã
 tự chủ được nguồn giống tại chỗ.

Trang trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình bà Nguyễn Thị Thịnh, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) duy trì mô hình chăn nuôi khép kín theo chuỗi (tức chủ động đầu vào đến đầu ra của sản phẩm) mang lại hiệu quả kinh tế cao và cũng là số ít trang trại trụ vững qua các cơn bão dịch tả lợn châu Phi. Bà Nguyễn Thị Thịnh cho biết, trang trại của gia đình luôn duy trì từ 30 - 35 lợn nái, nguồn giống sản xuất ra đủ phục vụ nhu cầu chăn nuôi. Tự chủ con giống nên trang trại của bà Thịnh luôn ổn định đàn lợn thịt từ 500 - 600 con.

Ông Đào Duy Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, những năm gần đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nhiều đàn lợn, kéo theo giá lợn giống tăng cao và nhiều thời điểm người dân rất khó khăn trong mua con giống. Do vậy, nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi đã đầu tư sản xuất giống. Thống kê của ngành, hiện toàn tỉnh có trên 56.000 con lợn giống, đây là thời điểm tỉnh có đàn lợn giống cao nhất kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhập. Trong đó lợn nái trên 40.200 con, còn lại là lợn đực và lợn nái hậu bị. Với đàn lợn giống tương đối lớn đã giải quyết được nhu cầu con giống tại chỗ an toàn, sạch bệnh.  

Để đảm bảo chăn nuôi bền vững, các trang trại, gia trại cần quan tâm đến nhu cầu thực tế của thị trường và xu hướng phát triển, tránh tình trạng khi thấy giá con giống tăng cao, đầu tư ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu, gây tổn thất kinh tế. Thực tế năm 2017, tình trạng dư thừa con giống đã xảy ra. Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học: Chuồng trại chăn nuôi nói chung và nuôi lợn nái nói riêng cần cách xa nhà ở và luôn vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, khi mua lợn nái phục vụ sinh sản, người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm nguồn gốc giống, tiêm đầy đủ vắc xin phòng chống, bệnh dịch nguy hiểm cho lợn mẹ, lợn con và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Làm được điều này, chất lượng nguồn giống mới đảm bảo và chăn nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.  

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/




Đoàn Thư Theo https://baotuyenquang.com.vn/

Chia sẻ bài viết:        Chia sẻ Zalo Google Bookmarks 
  In bài viết








SÀN GIAO DỊCH TỈNH TRÀ VINH
Truy cập tháng: 47429
Tổng truy cập: 2608872