Tiết kiệm chi phí

Tiết kiệm chi phí chăn nuôi
Tiết kiệm chi phí chăn nuôi
Cập nhật lúc 08:14 ngày 01/04/2021 - Số lần xem: 264

(BLC) - Với cách làm hay, sáng tạo, nông dân trên địa bàn huyện Tam Đường đã thực hiện thành công nhiều mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, đàn vật nuôi lớn nhanh, mạnh khỏe, tiết kiệm chi phí.


Tới thăm trang trại chăn nuôi của gia đình anh Trần Đình Vượng (bản Tân Bình, xã Bình Lư), chúng tôi bất ngờ trước cơ ngơi khang trang, rộng rãi, chuồng trại xây dựng khoa học. Theo anh Vượng, chúng tôi vào thăm khu nuôi, nhân giống và tái đàn ruồi lính đen. Cơ sở vật chất phát triển ruồi lính đen rất đơn giản, gồm: máng tôn nuôi nhộng, hộp đựng trứng, các khay nhựa màu đen đựng kén, lồng nuôi ruồi bố mẹ rộng chừng 6m2 để phục vụ tái đàn. Lồng nuôi được thiết kế bằng vải mùng khép kín, bên trong có hàng ngàn con ruồi lính đen, anh thiết kế các giá thể bằng gỗ làm nơi để đàn ruồi giao phối sinh sản và đẻ trứng. Vòng đời của ruồi lính đen kéo dài khoảng 40 ngày và chia thành 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, kén, ruồi trưởng thành.

Mô hình nuôi ruồi lính đen của gia đình anh Trần Đình Vượng (bản Tân Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường).

Sau khi tìm hiểu qua sách báo, youtobe, anh Vượng nhận thấy ruồi lính đen (Hermetia illucens) là côn trùng sẵn có trong tự nhiên, không có vòi nên không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loài ruồi khác. Không những vậy, ấu trùng của ruồi lính đen có thành phần dinh dưỡng cao, có thể làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm. Đây còn là loài động vật có lợi cho nông nghiệp, tạo ra nguồn thức ăn chăn nuôi hiệu quả nên anh mạnh dạn thử nghiệm tại gia đình.

Anh Vượng cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi nuôi 300 con vịt, 150 con gà, 2 lợn nái, 10 con lợn con. Trước đây, để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, mỗi tháng gia đình tôi phải chi phí từ 9 – 10 triệu đồng. Ngoài lên mạng tìm hiểu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, tôi cũng thường xuyên tìm tòi những phương pháp chế biến thức ăn chăn nuôi khoa học, tiết kiệm chi phí. Sau 6 tháng triển khai nuôi ruồi lính đen, tôi thấy đàn vật nuôi của gia đình lớn nhanh, khỏe mạnh, tiết kiệm 1/3 chi phí chăn nuôi so với trước”.

Cũng theo anh Vượng, việc đầu tư nuôi ruồi lính đen không đòi hỏi về cơ sở vật chất, thức ăn của chúng rất đơn giản, chủ yếu là các loại rau, củ, quả dư thừa, phế phẩm trong nông nghiệp như: bã đậu phụ, cám gạo… Chỉ mới bắt đầu nuôi 6 tháng nhưng diện tích nuôi ruồi lính đen của gia đình đã sản xuất một khối lượng trứng, ấu trùng khá lớn, cung cấp một phần thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc, gia cầm. Ưu điểm của ruồi lính đen là dễ nuôi, phát triển nhanh, đặc biệt ấu trùng vừa làm thức ăn trong chăn nuôi vừa được sử dụng để xử lý chất thải hữu cơ, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng.

Nuôi ruồi lính đen không cần nhiều diện tích đất nhưng mang lại hiệu quả trong xử lý chất thải nông nghiệp để tạo ra nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Ruồi lính đen là loài côn trùng khá mới mẻ đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Thời gian tới, gia đình anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi để tạo nguồn thức ăn chăn nuôi tại chỗ.

Tiết kiệm chi phí chăn nuôi, gia đình anh Sùng A Phử (bản Giàng Tả, xã Giang Ma) lại chọn hướng đi khác. Sau khi đi tham quan, học kinh nghiệm nuôi giun quế tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, anh Phử quyết định nuôi thử nghiệm 2 thùng giun quế với trọng lượng 35kg. Loại giun này hội tụ đủ 12 loại axit amin, nhiều vitamin, chất khoáng, vì vậy giun quế là một trong những loại thức ăn chăn nuôi rất tốt cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Theo anh Phử, chi phí đầu tư nuôi giun quế không nhiều, trong khi hiệu quả kinh tế lại khá cao. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi anh Phử đã nắm được yêu cầu kĩ thuật nuôi giun, chỉ sau hơn 8 tháng, từ 2 thùng giun, anh mở rộng diện tích nuôi lên 8m2.

Nuôi giun quế khá đơn giản, không đòi hỏi yêu cầu kĩ thuật cao, giun quế lại sinh trưởng, phát triển nhanh. Thức ăn của giun đơn giản, anh lấy phân trâu sau đó ủ phân si vinh để phân hủy, đảm bảo không có mầm bệnh gây hại cho giun. Anh cho giun quế ăn bằng 2 cách: nổi và chìm.

Đối với ăn nổi, cho phân trâu trên bề mặt của giun, khoảng 2 – 3 ngày ăn 1 lần. Ăn chìm thì hành đào rãnh thả phân xuống cho ăn từ dưới đáy lên, khoảng từ 7 – 15 ngày cho ăn 1 lần. Nhờ chăm sóc kĩ lưỡng, giun lớn nhanh, phát triển với số lượng lớn. Sau 8 tháng nuôi thử nghiệm, gia đình anh phát triển được số lượng giun lớn (hơn 8 tạ). Số giun quế này, anh Phử quyết định chia cho 11 hộ dân trong bản (35kg/hộ) để bà con nuôi thử nghiệm làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Anh Phử cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn, tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, gia đình tôi được hỗ trợ vốn khởi nghiệp, các loại giống rau. Từ khi phát triển chăn nuôi, tôi kết hợp nuôi giun quế để làm thức ăn cho gia cầm. Nhờ nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng sẵn có, đàn gia cầm sinh trưởng, phát triển tốt, lớn nhanh, tiết kiệm chi phí. Thời gian tới, tôi mở rộng thêm quy mô nuôi giun quế và tiếp tục nhân giống để bán ra thị trường. Ngoài ra, giun quế cũng chính là nguồn phân sạch, làm phân bón rất tốt cho rau”.

Với kỹ thuật nuôi đơn giản, tiết kiệm chi phí, những mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi như: ruồi lính đen, giun quế... đang là những mô hình đem lại hiệu quả, giúp nông dân tiết kiệm chi phí chăn nuôi, đảm bảo an toàn cho vật nuôi và sức khỏe con người, thân thiện với môi trường.

Tin: Phương Thanh

Nguồn: https://baolaichau.vn/

 

 




Phương Thanh Theo https://baolaichau.vn/

Chia sẻ bài viết:        Chia sẻ Zalo Google Bookmarks 
  In bài viết








SÀN GIAO DỊCH TỈNH TRÀ VINH
Truy cập tháng: 65549
Tổng truy cập: 2626994