Giải pháp hiệu quả

Phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt
Phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt
Cập nhật lúc 08:20 ngày 17/05/2023 - Số lần xem: 111

Phát triển mô hình HTX từ chăn nuôi kết hợp trồng trọt đã và đang là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế đối với đời sống của nhiều hộ thành viên. Với tư duy dám nghĩ dám làm, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, các HTX đã giúp thành viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.


Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới Trung ương đánh giá, nhờ được định hướng về đầu ra cho sản phẩm nhiều người nghèo đã tự mình vươn lên thoát nghèo. Đáng ghi nhận không chỉ bản thân vươn lên thoát nghèo mà không ít người đã trở thành “chủ” HTX,  tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo khác.

Chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật

Tại HTX Nông lâm nghiệp Thiện Long, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Hướng đi này đã bước đầu mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX.

Các HTX đã giúp thành viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Viên Văn Thức, Giám đốc HTX cho biết: Thiện Long là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thu nhập chính của bà con từ trồng trọt và chăn nuôi.

Mục tiêu của HTX là liên kết các thành viên phát triển mô hình sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, từ đó kết nối tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập.

Sau khi thành lập HTX, các thành viên tham gia mô hình nuôi bò 3B nhốt chuồng được Nhà nước hỗ trợ 350 triệu đồng (nguồn vốn chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông thôn mới) để mua 10 con giống.

Ngoài ra, các thành viên đầu tư thêm vốn để tăng đàn bò lên 40 con. Để đàn bò phát triển tốt, các hộ chăn nuôi đã chủ động tìm hiểu, tham quan các mô hình nuôi bò vỗ béo có hiệu quả trên địa bàn huyện; nghiên cứu, trồng các loại cỏ như: cỏ xả Thái Lan, cỏ voi VA06 với diện tích hơn 1 ha để đảm bảo nguồn thức ăn tươi cho đàn bò.

Đồng thời, từ năm 2021, các thành viên HTX phát triển trồng cây khoai môn với diện tích trên 2 ha, nuôi ốc ruộng với diện tích 1 ha và chăm sóc gần 50 ha quế, keo. Hiện nay, rừng quế đang phát triển rất tốt, nhiều diện tích bắt đầu cho khai thác chọn lọc, bước đầu mang lại thu nhập.

Để các thành viên nắm được kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, từ khi thành lập đến nay, HTX đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế, cây khoai môn… cho các thành viên.

Bà Lê Thị Khanh, thành viên HTX chia sẻ: Trước đây, tôi nuôi bò 3 năm mới xuất bán một lứa thì giờ trung bình mỗi năm tôi nuôi vỗ béo 2 lứa, mỗi lứa từ 6 đến 8 con bò 3B. Ngoài ra, tôi được tham gia các lớp tập huấn, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phát triển đàn bò… Từ cuối năm 2021 đến nay, gia đình tôi xuất bán 4 con bò, thu về trên 150 triệu đồng. Gia đình đang nuôi 2 con bò 3B và dự kiến nhập thêm 8 con để tiếp tục vỗ béo, duy trì đàn. Ngoài ra, gia đình còn chăm sóc 2 ha quế, trồng khoai môn… Từ phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt, gia đình tôi có thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Ông Đặng văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thiện Long cho biết: HTX Nông lâm nghiệp xã Thiện Long là HTX hoạt động ổn định, bước đầu mang lại hiệu quả cao trên địa bàn xã. Mô hình sản xuất của HTX đã góp phần thay đổi tập quán của người dân từ chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ sang tập trung, hướng đến liên kết tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập, đóng góp vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế

Cũng giống như HTX Nông lâm nghiệp Thiện Long, tại HTX dịch vụ nông nghiệp Chộc Pháo, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, với nhiều hoạt động thiết thực, mô hình chăn nuôi, trồng trọt của HTX đã phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình các thành viên và đem lại nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng/hộ/năm.

Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt đang là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo.

Ông Âu Văn Ngọc, thôn Chộc Pháo, huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2017, tôi tham gia HTX Dịch vụ nông nghiệp Chộc Pháo. Từ đó, tôi được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích hợp nên gia đình đã mạnh dạn chăn nuôi 50 con dê và chuyển đổi gần 1 mẫu đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày như khoai tây, khoai lang… Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc vật nuôi, cây trồng nên trung bình mỗi năm, mô hình đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng cho gia đình tôi sau khi trừ chi phí.

Được biết, gia đình ông Ngọc chỉ là một trong số 16 thành viên đạt được hiệu quả kinh tế cao từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhờ tham gia HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn Chộc Pháo.

Bà Vi Thị Thảo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn Chộc Pháo cho biết, ngay từ khi mới thành lập, để mở rộng diện tích sản xuất, HTX đã khảo sát và nhận thấy trên địa bàn xã còn có một số diện tích đất bà con bỏ hoang hóa lâu năm nên để tránh lãng phí, HTX đã chủ động thuê hơn 3 ha để trồng trọt.

Đặc biệt, nhận thấy việc trồng các loại cây ngắn ngày sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên HTX mạnh dạn trồng luân phiên các loại cây ngắn ngày như: khoai tây, dưa chuột, bí xanh… với diện tích 8ha, kết hợp chăn nuôi 20 con trâu sinh sản, 100 con dê và hơn 2.000 con gia cầm. Đơn cử hằng năm, từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, người dân trồng được 3 vụ dưa chuột lai cho thu nhập hơn 50 triệu/ha/vụ sau khi trừ chi phí.

Đồng thời, sau mỗi vụ thu hoạch, HTX đều tiến hành họp để các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm trong cách chọn cây giống, cách chăm sóc, phòng trừ xử lý sâu bệnh… để nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng.

Cùng với đó, hằng năm, nhận thấy cần nâng cao việc áp dụng khoa học kỹ thuật cho bà con, HTX đề nghị UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho các thành viên tham gia. Đặc biệt, luôn chủ động liên hệ, ký kết với các HTX khác hoặc doanh nghiệp về việc thu mua sản phẩm trước khi triển khai các dự án chăn nuôi, trồng trọt nhằm đảm bảo việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.

Nhờ đó, từ khi thành lập đến nay, tổng thu nhập của HTX đều đạt trên 2,5 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí, đem lại nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm/1 thành viên sau khi trừ chi phí.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích, quy mô trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các thành viên phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương”, bà Vi Thị Thảo nói.

Có thể thấy, với sự đồng hành của các HTX, sự nỗ lực trong lao động, sản xuất của thành viên, những mô hình trồng cây ăn quả, cây ngắn hạn và chăn nuôi đang là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần giảm nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tin: Kim Yến

Nguồn: https://vnbusiness.vn/ 




Kim Yến Theo https://vnbusiness.vn/

Chia sẻ bài viết:        Chia sẻ Zalo Google Bookmarks 
  In bài viết








SÀN GIAO DỊCH TỈNH TRÀ VINH
Truy cập tháng: 45212
Tổng truy cập: 2606655